Công cụ mô phỏng mạng OMNeT++ | Góc lên LAB học gì?
CNTT là một ngành nghề có tính ứng dụng rất cao vì thế viện CNTT&TT có rất nhiều các LAB nghiên cứu thuộc nhiều các lĩnh vực khác nhau như: LAB công nghệ phần mềm, LAB hệ thống thông tin, LAB khoa học máy tính, BKC LAB, ... Và các thầy/ cô trong LAB luôn luôn mở rộng cửa để chào đón các bạn sinh viên cùng tham gia.
Bài viết này là bài viết đầu tiên tại series Góc lên LAB học gì? nên mình sẽ nói cụ thể và chi tiết hơn về những vấn đề ban đầu để mọi người hiểu được rõ hơn những vấn đề khi tham gia các LAB nghiên cứu khoa học của viện nha.
Đầu tiên là việc khi tham gia các LAB nghiên cứu thì mang lại những lợi ích gì? Lợi ích thì là vô cùng nhiều, khi tham gia các LAB cùng các thầy/ cô và các anh/ chị trên LAB các bạn được tiếp cận với các anh/ chị, các bạn, các thầy/ cô phải nói là rất giỏi và rất tâm huyết. Được học những kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực, được traing theo lộ trình, được tham gia vào các dự án nghiên cứu trong LAB, được có tên trong các bài báo khoa học,...
Tuy nhiên khi tham gia LAB các bạn sẽ mất thời gian để dành cho các công việc trên LAB, mất thêm thời gian để học các kiến thức trên LAB mà có thể trên lớp không học tới.
Làm thế nào để được lên LAB? Dĩ nhiên là không phải ai muốn lên LAB là sẽ được lên đâu. Có những LAB thì xét duyệt khá dễ nhưng cũng cần có 1 bảng điểm đẹp như LAB khoa học máy tính của cô Bình các bạn chỉ cần gửi mail cho cô kèm theo bảng điểm, nếu cô đọc qua thấy điểm cao, OK thì cô sẽ nhắn lại cho các bạn là hôm sau có thể lên LAB. Còn có 1 số LAB tuyển thành viên rất khắt khe như LAB của thầy Khoát phải trải qua bao vòng với lên được thành viên chính thức.
Các phòng LAB hay các không gian học tập và làm việc tại tòa B1 của viện đang được chỉnh sửa và hiện đại hơn rất nhiều, nhìn đã là thấy thích rồi, các bạn có thể theo dõi thầy Tạ Hải Tùng (Viện trưởng) thầy có đăng lên rất nhiều hình ảnh về các không gian học tập, làm việc mới trên LAB, nhìn là muốn được ngồi đây mãi rồi.
Ngoài việc lên LAB để có thể học hỏi thêm các kiến thức thì các bạn có thể chọn đi thực tập. Mình đã từng thấy một số người rất giỏi nhưng họ lại không chọn lên LAB mà lại chọn đi thực tập. Khi bạn đi thực tập thì bạn vẫn có đầy đủ lợi ích khi bạn tham gia LAB chỉ khác là kiến thức mà bạn học được tại các doanh nghiệp sẽ thực tế hơn là các công nghệ mà chính các doanh nghiệp đang sử dụng để kiếm ra tiền, còn kiến thức mà các bạn được học trên LAB sẽ hàn lâm hơn, mang tính nghiên cứu nhiều hơn.
OK! Lan man như vậy thôi, bây giờ mình sẽ vào chủ đề chính của bài viết này về OMNeT++.
OMNeT++ là một phần mềm mô phỏng mạng sử dụng C++, mục đích chính là mô phỏng hoạt động của mạng thông tin, ngoài ra do tính linh hoạt OMNeT++ còn được sử dụng trong một số lĩnh vực khác nữa.
Tại Bách Khoa thì không có môn học chính thức nào giảng dạy về OMNeT++ và thế dĩ nhiên nếu không thích các bạn có thể không đọc bài viết này. Nhưng các bạn cũng có thể tìm hiểu về OMNeT, biết đâu nó lại là hướng đi phù hợp với bạn.
OMNeT được các thầy/ cô trong LAB công nghệ phần mềm sử dụng để mô phỏng giao thức mạng, có rất nhiều các nghiên cứu của các thầy/ cô có sử dụng OMNeT các bạn có thể xem qua TẠI ĐÂY.
LAB công nghệ phần mềm của thầy Nguyễn Khanh Văn mình thấy không tuyển sinh viên, hầu như là các sinh viên làm project I, II, III của các thầy trong LAB, sau đó sẽ được các thầy định hướng thêm để tham gia các nghiên cứu với các thầy/ cô thôi, vì thế mà LAB này mình thấy khá trầm và không nổi bật cho lắm.
Mình có một số tài liệu về OMNeT, nếu muốn tìm hiểu về OMNeT các bạn có thể xem qua tài liệu này: TÀI LIỆU VỀ OMNET++
Những bài viết sau mình sẽ viết về một số LAB khác hoạt động sôi nổi hơn trong viện như là LAB của thầy Khoát hay LAB cô Bình nha.
0 Bình luận:
Post a Comment